Âm thanh Hi-res là gì? Liệu anh em có thực sự cần đến hay không?
Sau bài viết về lossy và lossless, có nhiều anh em hỏi mình về nhạc Hi-res nên hôm nay mình sẽ chia sẻ qua một chút về chủ đề này. Mặc dù chỉ mới được chính thức được “ khai sinh” vào năm 2014 nhưng nhờ sự PR mạnh mẽ của các hãng âm thanh mà giờ đây khái niệm nhạc Hi-res có lẽ còn phổ biến hơn lossless. Bài viết này mình cũng sẽ không đi vào các khái niệm kỹ thuật lý thuyết vì cũng có rất nhiều trên mạng. Tuy nhiên mình sẽ thảo luận về nói về vấn đề khi nào thì chúng ta cần các file Hi-res này và liệu nó có phù hợp để sử dụng trên các thiết bị di động hay không?
Nhạc Hi-res là khái niệm để chỉ các file nhạc có chất lượng cao hơn chất lượng của đĩa CD (16bit/44.1kHz). Các định dạng quen thuộc mà chúng ta thường gặp là WAV, AIFF,FLAC, ALAC và DSD.
Thực ra nhạc chất lượng cao không phải mới xuất hiện gần đây, nó đã tồn tại rất nhiều năm trước nhưng mãi cho đến năm 2014 thì mới được đặt tên là Hi-res và ngày càng phổ biến hơn. Có 2 khái niệm mà chúng ta thường gặp đó là Hi-res music và Hi-res audio. Nếu bạn hay lang thang trên internet thì chúng ta sẽ thấy có rất nhiều logo về Hi-res khác nhau. Tuy nhiên phổ biến nhất là 2 cái ở phía dưới và logo bên phải thì thường thấy hơn so với logo bên trái. Nguyên nhân là do đâu?
Logo bên phải là logo do hiệp hội các thương hiệu của Nhật Bản ( đứng đầu là Sony ) tạo ra vào năm 2013. Còn logo bên trái là do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) cùng với một số tổ chức khác như CEA, DEG, và Recording Academy Producers & Engineers Wing đưa ra vào năm 2014 nhằm thiết lập tiêu chuẩn cho nhạc độ phân giải cao (hay còn gọi là nhạc hi-res), logo này được các hãng thu âm và phát hành nhạc khác áp dụng trong phạm vi Mỹ, Canada và châu Âu. Các dịch vụ liên quan bao gồm tải nhạc và nghe trực tuyến theo cả đĩa đơn và album. Như vậy, RIAA đã thiết lập chuẩn Hi-Res Music, nhằm cạnh tranh với chuẩn Hi-Res Audio. Chuẩn Hi-Res Music có phần dễ tính hơn, bởi yêu cầu nhạc đạt mức 20bit-48kHz trở lên. Còn Hi-Res Audio vốn đã yêu cầu đạt mức 24bit/96kHz trở lên. Dù vậy, cả 2 tiêu chuẩn này đều đã cao hơn mức 16bit/44.1kHz của đĩa CD. Chính vì sự khác biệt phân chia 2 khu vực khác nhau mà người dùng ở VN sẽ thường thấy logo ở bên phải nhiều hơn so với bên trái.Quay lại vấn đề là chúng ta thực sự có cần file Hi-res hay không. Đây là vấn đề mà cho đến nay mỗi khi nói ra thì có rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên mình sẽ phân tích vấn đề dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình để đưa ra lời khuyên cho anh em
Thứ 1: Nếu anh em quan sát biểu đồ thị trên thì có thể thấy được ngưỡng nghe của người chỉ đạt được ở mức 20kHz, theo định lý lấy mẫu Nyquist Shannon thì về mặt lý thuyết chất lượng nhạc từ CD hay lossless với tần số lấy mẫu 44.1 kHz là đã dư sức để có thể thưởng thức. Nói như vậy chẳng lẽ file Hi-res là dư thừa và không có khác biệt hay sao?
Thứ 2: Nhạc Hi-res chắc chắn là tốt hơn đó là điều không phải tranh cãi. Tuy nhiên để thể hiện được cái tốt hơn đó, anh em phải đầu tư rất nhiều từ phần cứng cho đến phần mềm để có thể lột tả hết chất lượng của file nhạc. Như vậy vẫn chưa đủ, thực tế chúng ta còn cần một đôi tai vàng để nhận biết được sự khác biệt trên, nếu như không nhận ra được thì việc đầu tư cho các thiết bị máy móc sẽ không còn ý nghĩa nữa.Thứ 3: Các file nhạc Hi-res thường có dung lượng rất lớn, có thể lên đến vài 3 4Gb một album. Anh em nên cân nhắc khi quyết định lựa chọn định dạng này để lưu trữ. Đối với anh em nghe nhạc trên điện thoại, đa phần anh em phải lỉnh kỉnh thêm DAC/Amp mới có thể giải mã được các file định dạng này, như vậy lúc này tính cơ động của thiết bị sẽ mất đi.
Tóm lại, trong công cuộc chạy đua cấu hình như hiện nay, các mẫu điện thoại flagship hầu hết đều có khả năng chơi được file Hi-res một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên có thể thấy được rằng tuỳ vào nhu cầu sử dụng cũng như khả năng của mình mà anh em nên sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp cho riêng mình. Cá nhân mình, quan trọng nhất vẫn là chất lượng thu âm của các album. Một album Hi-res mà thu âm tệ thì cũng không có ý nghĩa gì trong việc thưởng thức cũng như lưu trữ cả.